Quy định về Lễ Quốc tang của Việt Nam
Admin Long Thành
2024-07-23T05:14:52-04:00
2024-07-23T05:14:52-04:00
https://longthanh.yenthanh.nghean.gov.vn/van-hoa-xa-hoi/quy-dinh-ve-le-quoc-tang-cua-viet-nam-300.html
https://longthanh.yenthanh.nghean.gov.vn/uploads/news/2024_07/quoc-tang.jpg
Trang thông tin điện tử xã Long Thành - Huyện Yên Thành - Nghệ An
https://longthanh.yenthanh.nghean.gov.vn/uploads/logo.jpg
Thứ ba - 23/07/2024 05:14
Quy định việc tổ chức lễ Quốc tang được thực hiện theo Nghị định 105/2012/NĐ-CP của Chính phủ. Một số quy định chính về tổ chức Quốc tang như sau:
Nghi thức treo cờ rủ Quốc tang. Ảnh tư liệu
1. Chức danh được tổ chức Lễ Quốc tang
Cán bộ đang giữ hoặc thôi giữ một trong các chức vụ sau đây khi từ trần được tổ chức Lễ Quốc tang:
- Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng;
- Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
- Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
- Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Bộ Chính trị quyết định việc tổ chức Lễ Quốc tang đối với cán bộ cấp cao khác có quá trình đóng góp và công lao to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước và nhân dân, có uy tín lớn trong nước và quốc tế.
2. Thông báo về lễ Quốc tang
Các cơ quan sau đây cùng đứng tên ra thông cáo về lễ Quốc tang: Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
3. Ban Lễ tang Nhà nước và Ban Tổ chức Lễ tang
Bộ Chính trị quyết định thành lập Ban Lễ tang Nhà nước, gồm từ 25 đến 30 thành viên đại diện Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương, Quốc hội,
Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể Trung ương, cơ quan nơi người từ trần đã hoặc đang công tác, đại diện lãnh đạo tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quê hương hoặc nơi sinh của người từ trần.
Ban Lễ tang Nhà nước có nhiệm vụ chỉ đạo việc tổ chức Lễ Quốc tang theo quy định tại Nghị định này;
Trưởng Ban Lễ tang Nhà nước là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam hoặc Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Bộ Chính trị quyết định thành lập Ban Tổ chức Lễ tang, gồm từ 15 đến 20 thành viên đại diện cho các bộ, ban, ngành ở Trung ương, địa phương quê hương hoặc nơi sinh của người từ trần và đại diện gia đình người từ trần.
Ban Tổ chức Lễ tang có nhiệm vụ giúp cho Ban Lễ tang Nhà nước trong việc điều hành các cơ quan là thành viên Ban Tổ chức Lễ tang, các cơ quan tham gia tổ chức Lễ Quốc tang theo quy định tại Nghị định này; Trưởng Ban Tổ chức Lễ tang là một Phó Thủ tướng Chính phủ.
4. Các văn bản về Lễ Quốc tang
Ban Tổ chức Trung ương chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng và cơ quan chủ quản của người từ trần soạn thảo: Thông cáo về Lễ Quốc tang; danh sách Ban Lễ tang Nhà nước, Ban Tổ chức Lễ tang, tiểu sử người từ trần; Thông báo về Lễ viếng, Lễ truy điệu, Lễ an táng; Lời điếu và Lời cảm ơn có ý kiến đóng góp của gia đình người từ trần và được Ban Lễ tang Nhà nước thông qua.
5. Đưa tin, đăng tin trên các phương tiện thông tin về Lễ Quốc tang
a) Đưa tin buồn
Khi chưa có thông báo chính thức của Ban Tổ chức Lễ tang, các phương tiện thông tin đại chúng chỉ được đưa tin vắn về việc từ trần. Sau khi thành lập Ban Tổ chức Lễ tang và việc tổ chức Lễ tang được chính thức công bố, các phương tiện thông tin đại chúng mới được đưa tin buồn, đăng bài viết giới thiệu về người từ trần.
b) Đăng tin trên các phương tiện thông tin
Báo Nhân Dân và các cơ quan báo chí ở Trung ương và địa phương đưa tin về Lễ Quốc tang, gồm: Thông cáo, danh sách Ban Lễ tang Nhà nước, Ban Tổ chức Lễ tang; tiểu sử, ảnh người từ trần; nghi thức cả nước để tang; thông báo về Lễ viếng, Lễ truy điệu, Lễ an táng, lời cảm ơn của Ban Lễ tang Nhà nước;
Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương quay phim tư liệu Lễ viếng, Lễ truy điệu và Lễ an táng. Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam tường thuật và truyền hình trực tiếp Lễ viếng, Lễ truy điệu và Lễ an táng.
6. Thời gian, nghi thức để tang
Thời gian tổ chức Lễ Quốc tang là 02 ngày. Trong thời gian này các cơ quan, công sở trong phạm vi cả nước và các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài treo cờ rủ, có dải băng tang (có kích thước bằng 1/10 chiều rộng lá cờ, chiều dài theo chiều dài của lá cờ và chỉ treo cờ đến 2/3 chiều cao của cột cờ, dùng băng vải đen buộc không để cờ bay), không tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí công cộng.
Nghị định 105/2012/NĐ-CP của Chính phủ cũng quy định cụ thể về các quy định việc tổ chức lễ viếng, các nghi thức trong Lễ Quốc tang.