Làng Công giáo nức tiếng xa gần với đặc sản lươn đồng
Làng Phan Thanh, xã Long Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An với 100% là giáo dân. Đây là làng thuần giáo từ lâu đã nổi tiếng khắp xa gần với đặc sản lươn đồng thơm ngon nức tiếng. Từ xa xưa người dân làng Phan Thanh đã nổi danh với tài bắt lươn đồng bằng tay không, sau này là bằng các dụng cụ như thả trúm, câu lươn…
Những cánh đồng lúa mênh mông trù phú tại xã Long Thành và các vùng phụ cận cũng là vựa lươn đồng lớn nhất tỉnh Nghệ An. Từ nơi đây, lươn đồng được chế biến thành phẩm và xuất đi nhiều tỉnh thành trên cả nước thậm chí sang cả châu Âu.
Lươn đồng làng Phan Thanh thơm ngon, khẳng định được chất lượng nên khách hàng khắp mọi nơi tìm về mua, thị trường dần được mở rộng ra các tỉnh thành phố lớn khác.
Khoảng 10 năm trở lại đây, thay vì bán lươn nguyên liệu, nhiều hộ dân tại làng Phan Thanh bắt đầu sơ chế lươn đồng thành những món ngon như lươn đồng cuộn thịt truyền thống, lươn đồng sấy khô, lươn đồng ướp gia vị, lươn đồng phi lê… Các sản phẩm được chế biến, đóng gói, bảo quản đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, có thể vận chuyển đến các thị trường ở xa.
Nhận thấy được tiềm năng phát triển của làng nghề chế biến lươn đồng, Tổ hội nghề nghiệp chế biến lươn đồng Phan Thanh được thành lập với mong muốn xây dựng thương hiệu lươn đồng làng Phan Thanh, hỗ trợ nhau trong quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
Chị Nguyễn Thị Ngân (SN 1994, trú tại xóm Phan Thanh, xã Long Thành, huyện Yên Thành) một trong những cơ sở chế biến lươn đồng nổi tiếng ở làng Phan Thanh chia sẻ: "Trung bình mỗi ngày gia đình thu mua và chế biến khoảng 250 - 300 kg lươn đồng. Chúng tôi chế biến lươn theo những công thức truyền thống của cha ông từ xưa để lại với các loại gia vị tự nhiên vì thế giữ được hương vị, chất lượng của lươn đồng. Lươn đồng làng Phan Thanh chúng tôi thì khách chỉ cần ăn một lần là nhớ mãi, họ gọi điện đặt hàng thường xuyên. Khách hàng giờ mở rộng khắp các thị trường từ Hà Nội đến tận thành phố Hồ Chí Minh".
Có sản phẩm lươn đồng lên tới 1 triệu đồng/kg
Với đặc thù là một làng thuần giáo, chính quyền địa phương cũng như Hội Nông dân các cấp, đặc biệt quan tâm hỗ trợ tổ hội nghề nghiệp chế biến lươn đồng Phan Thanh trong quá trình phát triển. Từ đó, tạo công ăn việc làm ổn định, nâng cao thu nhập đời sống của các gia đình giáo dân tại đây.
Ngay từ khi tổ hội nghề nghiệp chế biến lươn đồng Phan Thanh được thành lập, Hội Nông dân huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) đã hỗ trợ 10 hộ gia đình giáo dân đầu tiên trong tổ hội nghề nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân với tổng số tiền 500 triệu đồng.
Bên cạnh đó, Hội nông dân huyện Yên Thành cũng giúp các hội viên tại tổ hội nghề nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay từ Ngân hàng chính sách xã hội với tổng số tiền 400 triệu đồng để phát triển kinh tế.
Bà Đinh Thị Linh - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An đánh giá: "Hội Nông dân huyện Yên Thành cũng cùng với chính quyền địa phương hỗ trợ xây dựng thương hiệu lươn đồng Phan Thanh. Đến nay từ nguồn vốn vay được tiếp cận, nhiều hộ gia đình đã đầu tư thêm máy móc hiện đại, mở rộng quy mô sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao".
Đầu năm 2022, làng Phan Thanh được UBND tỉnh Nghệ An công nhận là "Làng nghề chế biến lươn".
Tính đến thời điểm hiện nay, làng Phan Thanh đã có 51 hộ dân làm nghề chế biến lươn, tạo việc làm thường xuyên cho hàng trăm lao động.
Sản phẩm lươn đồng Phan Thanh có mặt khắp mọi miền đất nước và "cưỡi" máy bay xuất khẩu sang các nước như Trung Quốc, Thailand, Singapore và một số nước châu Âu như Anh, Pháp, Đức... Được cộng đồng người Việt các nước này đặc biệt ưa chuộng, nhất là món lươn đồng sấy có giá trị lên tới 1 triệu đồng/kg.
Nhờ nghề chế biến lươn đồng, bà con làng thuần giáo Phan Thanh nhiều nhà khá giả. Nhiều người về làng Phan Thanh bây giờ đều ngỡ ngàng bởi cảnh quan được đổi thay với những con đường được mở rộng, bê tông hóa, những ngôi nhà cao tầng.
Xây dựng sản phẩm OCOP lươn đồng đầu tiên
Làng nghề chế biến lươn Phan Thanh không chỉ tạo công ăn việc làm cho bà con giáo dân trong mà còn cho nhiều lao động khác là người lương.
Từ đó, mối đoàn kết lương - giáo được thắt chặt. Cũng nhờ vậy mà quá trình xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao tại địa phương nhận được sự đồng thuận rất lớn từ nhân dân.
Hiện tại xã Long Thành đã về đích nông thôn mới nâng cao và đang tiến tới hoàn thành các chỉ tiêu để được công nhận là xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Bà Nguyễn Thị Cẩm (SN 1969, trú tại làng Phan Thanh, xã Long Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) chia sẻ: "Nhờ được hỗ trợ thêm vốn, mua sắm máy móc, chúng tôi cũng mở rộng sản xuất, hiện tại kinh tế gia đình ổn định, tạo công ăn việc làm cho nhiều người. Chúng tôi cũng có điều kiện hơn để đóng góp cho các công việc của giáo họ. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng luôn đồng hành cùng địa phương trong quá trình xây dựng nông thôn mới".
Ông Ngô Thanh Toàn – Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An tâm sự, bà con giáo dân tại làng Phan Thành luôn rất đoàn kết, nhiều gia đình còn hiến đất, tháo dỡ các công trình để mở rộng đường, xây dựng nông thôn mới.
Hiện tại Hội Nông dân xã cùng với chính quyền địa phương cũng đang hỗ trợ tối đa để bà con làng nghề Phanh Thanh xây dựng thương hiệu lươn đồng. Bên cạnh đó hoàn thành hồ sơ để một số sản phẩn của làng nghề lươn đồng Phan Thanh được chứng nhận OCOP".
Tới thăm làng nghề chế biến lươn đồng Phan Thanh, bà Nguyễn Thị Hải – Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Nghệ An rất phấn khởi trước những thành quả mà bà con làng nghề Phan Thanh đã đạt được. Đặc biệt khi nguồn vốn của quỹ hỗ trợ nông dân phát huy tối đa hiệu quả, giúp bà con mở rộng sản xuất, tăng thu nhập, bà con giáo dân nơi đây có kinh tế khá giả.
"Thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh Nghệ An sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ bà con trong quá trình xây dựng các sản phẩm OCOP, mở rộng thị trường, đưa lên sàn thương mại điện tử… giúp bà con tiêu thụ sản phẩm, phát triển kinh tế".
Thắng Thọ Tình - Nguồn: danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn